Tin tức HỆ THỐNG QUẢN LÝ QUỐC TẾ

Giải mã “Tri thức của tổ chức” trong ISO 9001:2015

Thứ hai - 14/05/2018 14:42

Điều khoản 7.1.6 - “Tri thức của tổ chức” là một trong những nội dung mới, lần đầu tiên xuất hiện trong tiêu chuẩn ISO 9001:2015. Trong khi những yêu cầu của điều khoản này mở ra cho các tổ chức áp dụng một cơ hội vô cùng lớn để bổ sung khuôn khổ xác định, cung cấp và quản lý một nguồn lực quan trọng, tính khái quát của tiêu chuẩn cũng đã tạo ra những trở ngại nhất định trong việc diễn giải và ứng dụng trong thực tế của các tổ chức.

1. Khái quát

Trong bối cảnh doanh nghiệp phải vận hành trong một môi trường có những thay đổi nhanh chóng với sự tác động ngày một lớn từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và sự hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng thì Tri thức đang nổi lên như là một nguồn lực chính yếu, có tác động trực tiếp đến năng lực cạnh tranh và khả năng phát triển bền vững của tổ chức.

Để phản ảnh xu hướng này của "Nền kinh tế tri thức", tiêu chuẩn ISO 9001 phiên bản năm 2015 đã được bổ sung điều khoản 7.1.6 - "Tri thức của tổ chức" nhằm đưa ra các yêu cầu đối với việc xác định, duy trì những tri thức cho việc thực hiện các quá trình của mình và để đạt được sự phù hợp của sản phẩm và dịch vụ.

Vì là yếu tố mới được lần đầu tiên đưa vào tiêu chuẩn về một lĩnh vực cũng tương đối mới và thiếu các thực hành tốt được đúc kết tại Việt Nam, việc diễn giải và áp dụng các yêu cầu của điều khoản này ở các tổ chức áp dụng ISO 9001 trong thời gian vừa qua còn gặp nhiều vướng mắc về phương thức và hạn chế về kết quả đạt được.

2. Các yêu cầu của ISO 9001:2015 về Tri thức của tổ chức

Các yêu cầu của ISO 9001:2015 về tri thức của tổ chức được đề cập trong điều khoản 7.1.6 của tiêu chuẩn như sau:

"7.1.6  Tri thức của tổ chức
Tổ chức phải xác định tri thức cần thiết cho việc thực hiện các quá trình của mình và để đạt được sự phù hợp của sản phẩm và dịch vụ.
Tri thức này phải được duy trì và sẵn có ở mức độ cần thiết.

Khi giải quyết những nhu cầu và xu hướng thay đổi, tổ chức phải xem xét tri thức hiện tại của mình và xác định cách thức để thu được hoặc tiếp cận tri thức bổ sung và thông tin cập nhật cần thiết."

Đi cùng với các yêu cầu này, trong Điều khoản 7.1.6 của tiêu chuẩn còn bao gồm 02 Chú thích về phạm vi và phân loại tri thức theo nguồn.

"CHÚ THÍCH 1: Tri thức của tổ chức là tri thức cụ thể với tổ chức; thường thu được bằng kinh nghiệm. Đây là thông tin được sử dụng và chia sẻ để đạt được mục tiêu của tổ chức.

CHÚ THÍCH 2: Tri thức của tổ chức có thể dựa trên:
a) nguồn nội bộ (ví dụ sở hữu trí tuệ, kiến thức thu được từ kinh nghiệm; các bài học rút ra từ thất bại và các dự án thành công; nắm bắt và chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm bất thành văn; kết quả của việc cải tiến quá trình, sản phẩm và dịch vụ);
b) nguồn bên ngoài (ví dụ tiêu chuẩn; giới học viện; hội nghị, thu nhận kiến thức từ khách hàng hoặc nhà cung cấp bên ngoài)."

Ngoài ra, trong Phụ lục A.7 của tiêu chuẩn ISO 9001:2015, các nội dung bổ sung về Tri thức của tổ chức được trình bày như sau:

"7.1.6 đề cập đến nhu cầu xác định và quản lý tri thức được tổ chức duy trì để đảm bảo việc vận hành các quá trình của mình và có thể đạt được sự phù hợp của sản phẩm và dịch vụ.
Yêu cầu về tri thức của tổ chức được đưa vào với mục đích:
a) bảo vệ tổ chức khởi sự mất mát về tri thức, ví dụ
- do thay đổi nhân viên:
- không đạt được việc nắm giữ và chia sẻ thông tin;
b) khuyến khích tổ chức đạt được tri thức, ví dụ
- học hỏi từ kinh nghiệm;
- kèm cặp;
- đối sánh chuẩn."

3. Tiếp cận Quản lý tri thức của tổ chức theo ISO 9001:2015

Được xếp trong điều khoản về nguồn lực – 7.1 – nên tiếp cận đối với việc quản lý Tri thức của tổ chức được bắt đầu xem xét từ yêu cầu trong mục 7.1.1 – Khái quát về nguồn lực, trong đó có hai yêu cầu cơ bản là Xác định và Cung cấp, sau đó là vận hành vòng tròn P-D-C-A để đảm bảo việc xác định được cập nhật và cung cấp thỏa đáng trong những trường hợp có thay đổi. Nhìn thoáng qua thì quy trình để áp dụng điều khoản này thật đơn giản vì chỉ có ba bước chính bao gồm ba bước (1) Xác định tri thức cần thiết, (2) Duy trì tri thức cần thiết đã xác định, và (3) Thu thập/tiếp cận tri thức bổ sung khi có thay đổi. Trên thực tế, phần khó nhất không nằm ở việc xác định ba bước này mà là cách thức áp dụng chúng trong những bối cảnh và điều kiện cụ thể của tổ chức – và thật thú vị, điều này lại phụ thuộc chính vào "tri thức của tổ chức".

Trong quá trình làm việc với các doanh nghiệp đã và đang áp dụng ISO 9001:2015, sẽ không hiếm gặp các trường hợp HTQLCL của doanh nghiệp bao gồm một quy trình quản lý tri thức bằng vản bản được trình bày đẹp đẽ, phê duyệt chính thức với các biểu mẫu được thiết kế đúng quy định về kiểm soát tài liệu nhưng lại không được điền nội dung hoặc có nội dung rất sơ sài và thiếu giá trị thực tế với tổ chức. Đây chính là một ví dụ tuyệt vời của việc áp dụng quản lý tri thức trong bối cảnh "Tri thức của tổ chức" khi mà Quy trình 3 bước ở trên là một phần tri thức chung về Know-What (làm cái gì) nhưng lại thiếu đi yếu tố "cụ thể với tổ chức" như đề cập trong Chú thích 1 của điều khoản 7.1.6 và yếu tố Know-How (làm như thế nào) trong thực hiện.

Để làm rõ hơn về chủ đề này, các phần tiếp theo của bài viết sẽ lần lượt phân tích khái niệm và vai trò, phân loại, và sau đó là một số tiếp cận thực hành về quản lý tri thức có thể tham khảo. Trên cơ sở những phân tích này, người quản lý có thể xem xét để hoạch định các nội dung cụ thể về quản lý tri thức cho tổ chức, bộ phận mình quản lý.

  1. Khái niệm và vai trò của Tri thức

Khi tìm hiểu về Quản lý tri thức trong bối cảnh của ISO 9001:2015, có một điều đáng tiếc là định nghĩa về tri thức, xuất hiện trong các dự thảo của tiêu chuẩn ISO 9000, lại không được bao gồm trong phiên bản chính thức của tiêu chuẩn. Tuy nhiên trong bản dự thảo tiêu chuẩn ISO/DIS 9000 đưa ra lấy ý kiến trong năm 2014, tri thức được định nghĩa là "Tập hợp thông tin sẵn có được coi như một niềm tin được minh chứng là có khả năng đúng cao". Trong từ điển Merriam Webster tri thức được định nghĩa là "thực tế hoặc điều kiện biết điều gì đó với sự quen thuộc có được thông qua kinh nghiệm hoặc sự liên tưởng". Như vậy, khái niệm về tri thức có hai đặc điểm: (1) là sự hiểu biết hay sự chắc chắn về vấn đề hoặc nội dung chủ điểm và (2) có được từ kinh nghiệm hoặc sự liên hệ/liên tưởng giữa các yếu tố (ví dụ trí nhớ, trực giác hay ý tưởng, …).

Ở đặc điểm thứ nhất, Tri thức có thể được nhìn nhận như là một điều kiện tiên quyết để theo đuổi nguyên tắc thứ 6 trong quản lý chất lượng "Ra quyết định dựa trên bằng chứng" và là nền tảng cho vận hành chu trình PDCA một cách hiệu quả. Tình trạng hiểu biết về vấn đề hay những niềm tin được xác nhận là có độ chính xác cao giúp tổ chức có thể đưa ra các quyết định chính xác và nhanh chóng ở các bước Hoạch định và Điều chỉnh của chu trình PDCA. Điều này đảm bảo tổ chức có thể nhanh chóng nhìn nhận đúng các cơ hội, rủi ro của bối cảnh bên ngoài cũng như điểm yếu và điểm mạnh của nội bổ tổ chức để từ đó quyết định các đối sách phù hợp và kịp thời ở mọi cấp độ, từ chiến lược đến tác nghiệp hằng ngày. Ở phương diện này, đặc biệt là trong bối cảnh môi trường kinh doanh có những biến đổi nhanh chóng, Tri thức thực sự trở thành một nguồn lực cốt yếu tạo lợi thế cạnh tranh của tổ chức.

Đặc điểm hứ hai của Tri thức gắn liền với quá trình hình thành, và vì vậy liên quan mật thiết đến cách thức quản lý chu trình tích lũy và phát triển tri thức trong tổ chức. Về nguyên tắc, mọi tri thức đều bắt đầu từ các dữ liệu thực tế, được sắp xếp và tổ chức thành thông tin, trải qua quá trình phân tích các mối quan hệ để tìm ra những quy luật và hiểu biết mà dựa vào đó con người phản ứng với các điều kiện thực tế. Với đặc điểm này, mặc dù kiến thức có thể được hình thành và tích lũy một cách tình cờ (không có hoạch định trước), trong các tổ chức được quản lý hiệu quả thì phần lớn tri thức được hình thành có chủ đích theo hoạch định, nhất quán với các định hướng chiến lược và năng lực cốt lõi của mình. Bảng phía dưới thể hiện một ví dụ minh họa cho chu trình chuyển đổi từ dữ liệu ến thông tin, tri thức và quyết định/hành động.


  1. Phân loại Tri thức theo nguồn gốc và tình trạng

Theo dạng thức thì Tri thức có thể được chia thành ba loại là tri thức hiện (explicit knowledge), tri thức ngầm (implicit knowledge) và tri thức ẩn (tacit knowledge).



Trong các loại tri thức theo dạng thức ở trên, tri thức hiện được cho là dễ quản lý nhưng không nhiều trong khi tri thức ẩn và tri thức ngầm (nếu dùng cách phân loại này) thường khó quản lý nhưng lại nhiều và có tác động lớn đến hoạt động của doanh nghiệp.

Ở phương diện nguồn gốc, tri thức có thể được phân thành hai loại là tri thức nội bộ và tri thức bên ngoài. Tri thức nội bộ là tri thức có được từ tiêu chuẩn, tài liệu, cơ sở dữ liệu, nhân sự ở trong doanh nghiệp thông qua quá trình tích lũy kinh nghiệm, nghiên cứu & phát triển. Tri thức bên ngoài là các tri thức chưa sẵn có trong nội bộ mà tổ chức có thể huy động thông qua tiếp cận sách/tài liệu bên ngoài, đào tạo/hội thảo/hội chợ, thăm quan học tập bên ngoài, thuê chuyên gia, ….

Về tình trạng sẵn có, tri thức có thể bao gồm tri thức đã có sẵn và tri thức mới chưa có sẵn. Tri thức có sẵn thường là các tri thức nội bộ của tổ chức, trong khi tri thức chưa có sẵn có thể có được từ việc phát triển tri thức nội bộ hoặc tìm kiếm nguồn bên ngoài.

Việc hiểu và phân biệt rõ được các dạng thức, nguồn gốc và tình trạng của tri thức sẽ giúp tổ chức có được các hoạch định thích hợp về đối sách quản lý. Thông thường, các tổ chức thường thúc đẩy việc tiêu chuẩn hóa và văn bản hóa tri thức chuyển từ tri thức ẩn sang tri thức hiện, hệ thống hóa và phát triển tri thức để biến từ tri thức ngầm sang tri thức hiện để cho mục đích lưu trữ và quản lý. Ngược lại, cũng cần quan tâm đến việc đảm bảo các tri thức hiện được chuyển thành tri thức ẩn để tăng cường năng lực nhân sự và tốc độ xử lý công việc. Bên cạnh đó, việc nhận thức được vai trò của tri thức ẩn cũng giúp tổ chức có các biện pháp thích hợp cho quá trình chia sẻ, kèm cặp, hướng dẫn và phát triển nhân sự đa kỹ năng và nhân sự kế cận.

  1. Một số tiếp cận thực hành quản lý tri thức trong tổ chức

Với việc nhìn nhận tri thức như là một nguồn lực cốt yếu, có vai trò quyết định đến năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững của tổ chức, quản lý tri thức hiện tại đã được coi như là một lĩnh vực quản trị doanh nghiệp với nhiều thực hành được phát triển và áp dụng trên thực tế trong các tổ chức. Dưới đây là một số thực hành cơ bản và đơn giản mà các tổ chức có thể được thực hiện:







Tác giả bài viết: Phạm Minh Thắng – Ks., MBA

Nguồn tin: P&Q Solutions

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://pnq.com.vn là vi phạm bản quyền
Từ khóa:ISO 9001:2015, P&Q Solutions, Tư vấn ISO, Tri thức tổ chức, Quản lý tri thức

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn